Yên Mô, tập trung chỉ đạo và hướng dẫn phòng, chống khi Bệnh Dịch tả lợn Châu Phi tiếp tục tái bùng phát trên địa bàn
Thứ hai, 23/10/2023
|
Đã xem: 276
|
Nhận xét: 0
- Đánh giá cho bài viết:
- 0 điểm ( 0 đánh giá )
Hiện nay, tình hình Bệnh Dịch tả lợn Châu Phi tiếp tục tái bùng phát trên địa bàn huyện. Theo phòng NN&PTNT, bệnh dịch tả lợn Châu Phi đã tái bùng phát đợt cuối tháng 3 năm 2023, tại 12 xã, thị trấn trên địa bàn. Trước tình hình trên, huyện đã tập trung chỉ đạo quyết liệt các biện pháp phòng, chống, khống chế dịch bệnh, đến ngày 31/7/2023 toàn huyện đã cơ bản dập tắt dịch. Tuy nhiên, từ ngày 13/10 đến nay bệnh dịch tả lợn Châu Phi lại tái bùng phát trên địa bàn các xã: Yên Hòa, Mai Sơn, Yên Đồng và thị trấn Yên Thịnh, buộc phải tiêu hủy 11 con lợn, trọng lượng 883 kg của 5 hộ chăn nuôi. Nâng tổng số lợn đã tiêu hủy từ đầu năm đến nay trên địa bàn toàn huyện lên 459 con, với trọng lượng 25.211 kg ở 93 hộ chăn nuôi.
Các hộ chăn nuôi đang thực hiện công tác vệ sinh tiêu độc khử trùng xung quanh khu vực chăn nuôi.
Để chủ động tổ chức kiểm soát tốt, không để dịch bệnh phát sinh và lây lan ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống nhân dân, Huyện đã chỉ đạo phòng Nông nghiệp và PTNT đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập trung hướng dẫn về đặc điểm nhận biết và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tả lợn châu Phi cụ thể như sau:
* Đặc điểm của bệnh Dịch tả lợn châu Phi
Bệnh Dịch tả lợn châu Phi là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút gây ra. Bệnh lây lan nhanh, gây bệnh mọi lứa tuổi và ở mọi loài lợn với tỷ lệ chết lên đến 100%. Vi rút gây bệnh Dịch tả lợn Châu Phi có sức đề kháng cao với môi trường. Lợn khỏi bệnh có khả năng mang vi rút trong thời gian dài, có thể là vật chủ mang trùng suốt đời, do vậy khó có thể loại trừ được bệnh nếu xảy ra dịch bệnh Dịch tả lợn Châu Phi. Vi rút Dịch tả Châu Phi lây nhiễm qua đường hô hấp và tiêu hóa, thông qua sự tiếp xúc trực tiếp hoặc gian tiếp với các vật thể nhiễm vi rút như: Chuồng trại, Phương tiện vận chuyển, dụng cụ, đồ dùng và thức ăn thừa của lợn nhiễm bệnh hoặc chuột, ruồi muỗi...
Bệnh dịch tả lợn Châu Phi xuất hiện ở 4 thể sau: Thể cấp tính, thể quá cấp tính, thể mãn tính, thể ẩn bệnh. Thời gian ủ bệnh từ 3 - 15 ngày, ở thể cấp tính thời gian ủ bệnh chỉ từ 3 - 4 ngày. Lợn sốt cao (40,5 – 42oC), Lợn không ăn, lười vận động, ủ rũ, nằm chồng đống, lợn thích nằm chỗ có bóng râm hoặc gần nước. Lợn có biểu hiện đau vùng bụng, lưng cong, di chuyển bất thường, một số vùng da trắng chuyển sang màu đỏ, đặc biệt ở vành tai, đuôi, cẳng chân, da phần dưới ngực và bụng, có thể có màu sẫm xanh tím. Trong 1 - 2 ngày trước khi con vật chết có triệu chứng thần kinh, di chuyển không vững, thở gấp, khó thở hoặc có bọt lẫn máu ở mũi, viêm mắt, nôn mữa, tiêu chảy đôi khi có lẫn máu hoặc táo bón, phân cứng đóng viên có kích thước nhỏ, có chất nhầy máu. Lợn chết trong vòng 6 -13 hoặc 20 ngày.
*Các biện pháp kỹ thuật phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu phi.
Thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh khử trùng, tiêu độc:
+ Tiêu độc, khử trùng chuồng trại, lối đi, khu vực xung quanh chuồng nuôi, khu xử lý phân, rác… mỗi tuần ít nhất 2 lần; khi có dịch thực hiện 1 ngày/lần bằng hóa chất và vôi bột.
+ Cổng ra, vào trại nuôi cần phải có hố sát trùng, vôi bột và nước sát trùng thay hàng ngày.
+ Phương tiện ra vào trại, khu chăn nuôi như xe vận chuyển, xe chuyển cám,... cần phải được phun xịt sát trùng thật kỹ trước khi vào.
+ Thường xuyên khơi thông cống rãnh, phát quang cây cỏ xung quanh chuồng nuôi, quét dọn thu gom phân rác để đốt hoặc chôn.
- Hạn chế tối đa người ra, vào khu vực chăn nuôi; khi vào phải thay dụng cụ bảo hộ, ủng chuyên dụng.Không cho thương lái, phương tiện vận chuyển vào khu chuồng nuôi vì có thể mang theo mầm bệnh từ nơi khác vào; Không sử dụng thức ăn thừa, thức ăn tận dụng chưa qua xử lý nhiệt chín.
- Đối với các hộ có chuồng nuôi lợn trong khu vực hộ gia đình hạn chế tối đa việc sử dụng thịt lợn và sản phẩm của lợn; không để nước thải sinh hoạt chảy gần khu vực chuồng nuôi.
- Có biện pháp diệt côn trùng, chuột trong chuồng trại và khu vực chăn nuôi. Đối với các vật nuôi khác: chó, mèo, gà…nuôi nhốt, tránh tiếp xúc với đàn lợn.
- Khi thấy lợn sốt cao, chết bất thường xảy ra ở bất kỳ lứa tuổi nào không được bán chạy, giết mổ, vận chuyển lợn từ nơi đang có bệnh đi bất kỳ nơi khác; không mua bán, tiêu thụ lợn bệnh, lợn nghi mắc bệnh, các sản phẩm của lợn bệnh. Tuyệt đối không bán chạy lợn bệnh, không vứt xác lợn chết ra môi trường không sử dụng lợn ốm, chết không rõ nguyên nhân. Báo ngay với chính quyền địa phương, cơ quan chuyên ngành thú y để lấy mẫu xác định và có biện pháp xử lý kịp thời. Tuyệt đối không được giấu dịch, không tái đàn trong thời gian có dịch.
Tác giả: Bùi Thúy – Trung tâm Văn hóa, thể thao và truyền thanh